Skip to main content

DỰ ÁN TÁI THẢ VOỌC MÔNG TRẮNG TẠI DI SẢN THẾ GIỚI UNESCO TRÀNG AN, NINH BÌNH

Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là một loài linh trưởng đặc hữu chỉ có thể tìm thấy tại phía Bắc của Việt Nam. Loài này được xếp loại Cực kỳ nguy cấp với tổng số lượng cá thể được ước tính còn tồn tại ngoài tự nhiên là 275. Quần thể Voọc mông trắng lớn nhất hiện đang sinh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long thuộc tỉnh Ninh Bình, và quần thể lớn thứ hai được tìm thấy tại khu vực lân cận ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Quần thể duy nhất được đánh giá là có khả năng tự duy trì và phát triển là ở Khu bảo tồn Vân Long, tuy nhiên số lượng voọc ở đây chỉ có dưới 200 cá thể. Để bảo tồn loài này, một quần thể mới cần được thiết lập tại một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vậy đâu sẽ là địa điểm lý tưởng để thiết lập một quần thể mới có khả năng sinh sôi cho loài Voọc mông trắng cực kỳ nguy cấp này?

Để xác định địa điểm tốt nhất cho việc hình thành quần thể mới, chúng tôi cần cân nhắc những tiêu chí bắt buộc như là có sẵn sinh cảnh sống núi đá vôi tự nhiên hay không, mức độ bảo vệ có đủ cao hay không. Quần thể Danh thắng Tràng An đã được lựa chọn là địa điểm tốt nhất cho loài Voọc mông trắng. Tràng An sở hữu một hệ thống lớn các núi đá vôi, thung lũng, vách đá và hang động cung cấp sinh cảnh sống lý tưởng cho voọc. Ngoài ra, loài Voọc mông trắng đã được quan sát thấy tại khu vực Tràng An cho đến tận cuối những năm 1900. Quần thể Danh thắng Tràng An cũng được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO vào năm 2014, từ đó nhà nước cũng tăng cường các nỗ lực bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã tại đây. Các nỗ lực bao gồm việc tập huấn và phân công các cán bộ kiểm lâm để đảm bảo rằng các cá thể voọc có cơ hội tốt nhất với tương lai sáng.

Vào tháng 8 năm 2020, tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy chúng tôi đã hợp tác với các đơn vị khác bao gồm Ban quản lý Tràng An, Vườn quốc gia Cúc Phương, tổ chức Four Paws, và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) để tái thả ba cá thể Voọc mông trắng được sinh trong môi trường nuôi nhốt tại Đảo Ngọc, Tràng An. Chúng tôi đã thi công một chiếc lồng để gọi voọc về theo dõi sức khỏe hàng ngày, và phân công một nhóm cán bộ bảo vệ đàn voọc.

Quá trình tiến hành theo dõi hàng tuần đã chỉ ra rằng đàn voọc đã thích nghi tốt với môi trường tự nhiên và thậm chí còn có những dấu hiệu tích cực về việc gia tăng quần thể, hiện này tổng số cá thể đã tăng lên sáu bao gồm ba cá thể, một đực hai cái được chuyển dời từ Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC), và ba cá thể con được sinh ra trên đảo. Cá thể đầu tiên là một bạn voọc cái tên là Hope (Hy Vọng) được sinh ra vào ngày 24/10/2021, chỉ một năm sau khi bố mẹ Hope được tái thả. Vào ngày 22 tháng 8 năm sau, cá thể voọc cái còn lại đã sinh ra đứa con trai đầu tiên tên Khoai Lang bởi đây là món ăn yêu thích của chú voọc này. Và mới chỉ ba tháng trước thôi, vào ngày 26/03/2023, mẹ của Hope đã sinh ra một cậu voọc con kháu khỉnh và chúng tôi gọi cậu là Cam bởi màu sắc khi còn nhỏ của cậu. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được chứng kiến những cá thể voọc con gia nhập thêm vào gia đình voọc mỗi năm!

Dự án tái thả này hướng tới việc hình thành một tiểu quần thể Voọc mông trắng mới được bảo vệ nghiêm ngặt, từ đó cải thiện mức độ bảo tồn của loài và tăng khả năng sống sót dài hạn cho loài. Sự tồn tại của gia đình voọc cũng thu hút sự chú ý của du khách khi đi ngang qua đảo, đó cũng là một cơ hội nâng cao nhận thức và giáo dục cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn loài. Dự án này được hỗ trợ bởi các cơ quan nhà nước, các nhà tài trợ, các tổ chức đối tác, các nhà sinh vật học, các cán bộ kiểm lâm cùng những đơn vị, cá nhân khác. Chúng tôi rất mong dự án sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn trong tương lai gần.