Skip to main content

Wildlife on the MOVE

Xã hội đang ngày một phát triển, và chúng ta cũng đang dần mất kết nối với thế giới tự nhiên. Điều này khiến mọi người dần không còn quan tâm đến bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã hay môi trường sống của chúng nữa. Đây là một vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt với một nước đang trên đà phát triển nhanh như Việt Nam nhưng lại là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học còn sót lại trên trái đất. Với dự án ‘Wildlife On The Move’ ở Việt Nam, chúng tôi muốn mang thế giới hoang dã tới gần hơn với mọi người thông qua các hoạt động sáng tạo, thân thiện, vui vẻ, và có tính tương tác cao.

Dự án ‘Wildlife on the Move’ sẽ tổ chức những sự kiện giống hình thức sự kiện di động, dễ dàng sắp đặt và tháo lắp trong cùng một ngày. Điều này giúp chúng tôi dễ dàng di chuyển và tiếp cận tới nhiều khu vực có địa hình phức tạp hơn, cũng như tiếp xúc được với nhiều cộng đồng địa phương hơn. Các cộng đồng chúng tôi hướng tới gồm có trường học, trường đại học, phòng triển lãm, quán cafe, lễ hội, doanh nghiệp, và cả những cộng đồng địa phương ở vùng xa mà gần với các quần thể đang bị đe dọa và cần mau chóng được bảo vệ.

Chúng tôi tin rằng những ‘hạt giống’ được gieo ở những cộng đồng khác nhau về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa từ cá nhân tới cá nhân, tới các dự án địa phương, tới các mạng lưới và những người ủng hộ, và cuối cùng dẫn tới những hành động thực sự kiến tạo nên sự thay đổi.

Primates on the Move

Dự án ‘Wildlife On The Move‘ được ra đời từ ý tưởng ban đầu là muốn mang hình ảnh và kiến thức về các loài linh trưởng Việt Nam tới gần hơn với người dân thông qua một triển lãm ảnh về linh trưởng. Ở Việt Nam có tổng cộng 24 loài linh trưởng tuyệt vời sống trong các cánh rừng tự nhiên, và một vài trong số chúng được coi là một trong những loài linh trưởng đẹp nhất, ấn tượng nhất trên thế giới. Không may thay, do thiếu sự quan tâm đến việc bảo vệ các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng, phần lớn các loài linh trưởng đã đứng trên bờ vực tuyệt chủng chỉ trong vài thập kỉ. Một số loài thậm chí chỉ còn sót lại khoảng 60 cá thể ngoài tự nhiên.

Nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài linh trưởng Việt Nam nói riêng, và động vật hoang dã nói chung đã khiến chúng tôi làm triển lãm ‘Primates of Vietnam: Living on the Edge’ (Linh trưởng Việt Nam: Sống trên Bờ vực).

Sự thành công của triển lãm này đã thúc đẩy chúng tôi bắt đầu làm những triển lãm khác quanh địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có các phòng triển lãm, một vài lễ hội, trường học, và trường Đại học ở đây. Một số hoạt động bên lề của triển lãm như các phần trò chơi, giải thích, hoạt động vẽ tranh… cũng giúp thu hút và khiến mọi người tham gia nhiều hơn. Trong quá trình tổ chức, chúng tôi rất biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức sau đây: Global Conservation Force, Wildhand, và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (Endangered Primate Rescue Center).

Rhinos on the Move

Triển lãm về linh trưởng đã thu hút được một lượng đông đảo người tham gia, từ đó khích lệ chúng tôi mở rộng thêm những triển lãm khác, cũng như làm thêm tài liệu giáo dục cho các nhóm đối tượng khác nhau về các loài động vật đang bị đe dọa, trong đó có tê giác. Cụm từ tê giác trong tiếng Anh (rhinoceros) có nghĩa là ‘mũi sừng’ (nose horn). Cái tên của loài liên kết trực tiếp với chiếc sừng oai vệ được mọc ra từ mũi của tê giác. Nhưng, chính chiếc sừng đó cũng mang lời nguyền cho loài động vật này và khiến chúng đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Sừng tê giác rất được ưa chuộng bởi những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam, họ coi đây là một biểu tượng của quyền lực và sự giàu có. Tầm quan trọng của văn hóa này được củng cố bởi một niềm tin sai lệch về lợi ích mà sừng tê giác mang lại cho sức khỏe dưới hình thức của thuốc đông y. Hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Việc tiêu thụ sừng tê giác không chỉ dẫn tới một thảm họa sinh thái khi các quần thể tê giác trên thế giới dần biến mất, mà còn dẫn tới những cuộc chiến chết người giữa thợ săn và các cán bộ kiểm lâm đấu tranh trong tuyệt vọng để bảo vệ những loài động vật yếu đuối này.

Tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng còn sót lại ngoài tự nhiên đã bị bắn chết vào năm 2010 bởi thợ săn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác. Với hy vọng rằng câu chuyện buồn tương tự sẽ không lặp lại ở một nơi khác trên thế giới, với những quần thể tê giác khác, chúng tôi đã quyết định phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự khác (Wilderness Foundation Africa, Wildhand) để cùng tổ chức triển lãm ảnh: ‘BORN WITH HORNS’.

Wildwarriors

Khi đã có thêm những kinh nghiệm tổ chức sự kiện với các hoạt động có tính giáo dục về động vật hoang dã, chúng tôi bắt đầu mở rộng ra ngoài địa bàn Hà Nội, đặc biệt tới những trường học ở gần các điểm nóng mà động vật hoang dã đang bị đe dọa. Một trong những trường chúng tôi đã tới là một trường tiểu học gần Vườn quốc gia Ba Vì. Dự án ‘Wildlife on the Move’ tại các trường học là một phương pháp khá tiết kiệm để biến các bạn học sinh thành các WILDWARRIORS (Chiến binh hoang dã), và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã ở chính nước mình.

Chúng tôi bắt đầu bằng việc thường xuyên tới tổ chức hoạt động cho cùng một nhóm học sinh để củng cố nhận thức của các bạn về môi trường, và từ từ giới thiệu thêm thông tin về sự đa dạng sinh học tuyệt vời của Việt Nam. Vì các Chiến binh hoang dã của chúng tôi đã rất ham học hỏi nên chúng tôi quyết định thưởng cho các bạn nhỏ một chuyến đi tham quan tại các trung tâm cứu hộ ở Vườn quốc gia Cúc Phương, ở đó các Chiến binh được gặp rất nhiều loài động vật nguy cấp ngoài đời thực.