Skip to main content
All Posts By

Three Monkeys Wildlife Conservancy

Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 [2022]

By DỰ ÁN, TIN TỨC, Trang chủ

CHUYÊN GIA LINH TRƯỞNG QUỐC TẾ HỘI NGỘ

TẠI HỘI NGHỊ LINH TRƯỞNG CHÂU Á LẦN THỨ 8 Ở VIỆT NAM.

Nối tiếp sự thành công của 7 Hội nghị Linh trưởng Châu Á trước đó, Việt Nam là quốc gia tiếp theo đăng cai tổ chức Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 (the 8th Asian Primate Symposium). Sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với 24 loài và 2 phân loài linh trưởng, Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng để các nhà khoa học hội tụ và thảo luận về nghiên cứu của họ trong thời gian qua. Hội nghị lần này được tổ chức bởi Three Monkeys Wildlife Conservancy và được hợp tác cùng với Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, cũng vì lẽ đó, Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam là nơi được lựa chọn để hội nghị diễn ra.

Hội nghị kéo dài trong vòng 4 ngày, từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 11 năm 2022. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, và chuyên gia linh trưởng đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới và từ 91 tổ chức khác nhau.

Hội nghị khởi đầu bằng một lời chào đón nồng hậu của ban tổ chức đối với người tham gia trong không khí ấm cúng, vui vẻ của một bữa tiệc tối chào mừng. Sáng hôm sau, ngày 14/11, lễ khai mạc của hội nghị chính thức được diễn ra với sự tham dự của các cấp chính quyền, các nhà khoa học lỗi lạc trong ngành, các nhà báo, và toàn bộ đại biểu của chương trình.

Trong hai ngày 14 và 16, xuyên suốt đó là 62 phần tham luận và trình bày của các đại biểu về những nghiên cứu mới, họ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong công tác bảo tồn linh trưởng tại quốc gia bản địa. Các phần thuyết trình được chia thành các chủ đề: 1) Tương tác và xung đột giữa Người và Động vật, 2) Di truyền học và Bảo tồn, 3) Bảo tồn, 4) Bảo tồn và Hành vi, 5) Bảo tồn các loài vượn, 6) Phương pháp khảo sát bằng máy bay điều khiển từ xa, và 7) Tập tính học.

Ngoài việc thuyết trình, các đại biểu cũng có thể chia sẻ kiến thức và giới thiệu nghiên cứu của họ bằng việc sử dụng áp phích. Các phần thảo luận xuyên suốt hội nghị đã được diễn ra vô cùng sôi nổi bất kể là trong khung giờ chính, hay trong giờ nghỉ, thậm chí là cả giờ ăn tối.

Vào ngày 15/11, đại biểu của chương trình đã có một chuyến đi Ninh Bình tới Vườn Quốc Gia Cúc Phương và được tham quan các trung tâm cứu hộ tại đây. Chuyến đi đã có rất nhiều niềm vui và sự phấn khởi khi các chuyên gia có thể hiểu thêm về công tác bảo tồn các loài khác ở Việt Nam chứ không chỉ riêng linh trưởng.

Hội nghị cũng rất hân hạnh khi có được sự tham gia của hai họa sĩ vẽ động vật hoang dã vô cùng tài năng là chú Đào Văn Hoàng và anh Nguyễn Tiến Dũng trong suốt thời gian tổ chức. Song song với triển lãm tranh của các họa sĩ, ban tổ chức cũng mở một triển lãm ảnh để giới thiệu về 24 loài linh trưởng của Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng hội nghị đã tạo ra một môi trường tuyệt vời để các nhà khoa học và các bên liên quan trao đổi kiến thức, từ đó có những đóng góp toàn diện hơn cho ngành bảo tồn của nước nhà cũng như khu vực. Hội nghị cũng tăng cường thêm các cơ hội kết nối, từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân và các tổ chức trong tương lai.

Chúng tôi hy vọng rằng kết quả đạt được từ hội nghị sẽ có sức ảnh hưởng vượt xa khuôn khổ thời gian sự kiện diễn ra, đặc biệt trong việc đóng góp nâng cao năng lực cho người tham gia, và tăng cường kết nối trong cộng đồng liên ngành giữa các nhà linh trưởng học và các bên liên quan đến bảo tồn linh trưởng ở châu Á.

Nếu không có sự hỗ trợ hết sức thịnh tình từ các nhà tài trợ và các bên liên quan, Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 sẽ không thể thành công đến như vậy. Chúng tôi xin được chân thành cảm ơn các đơn vị tài trợ: WWF Việt Nam, tổ chức Re:Wild, Hội động vật học Frankfurt (Frankfurt Zoological Society), Hiệp hội Các nhà linh trưởng học Mỹ (American Society of Primatologists), Vườn thú Leipzig; cùng với sự đóng góp của toàn bộ đại biểu tham gia chương trình, và sự hỗ trợ hết mình của các tình nguyện viên.

Hẹn gặp lại tại Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 9!

Hội thảo Quốc tế về Chăm sóc, Sức khỏe, và Bảo tồn Vượn lần thứ 3 [2022]

By DỰ ÁN, TIN TỨC, Trang chủ

MỘT TRẢI NGHIỆM HÀI LÒNG VÀ KHÓ QUÊN ĐỐI VỚI

CÁC CHUYÊN GIA VỀ VƯỢN TRÊN THẾ GIỚI

Hội thảo Quốc tế về Chăm sóc, Sức khỏe, và Bảo tồn Vượn lần thứ 3 (the 3rd International Husbandary, Health and Conservation Gibbon Conference) đã diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng 11 năm 2022 tại Việt Nam. Hội thảo là sự kiện diễn ra ngay sau Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 được tổ chức tại Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam từ ngày 13 đến 16 cùng tháng. Hội thảo được tổ chức bởi Three Monkeys Wildlife Conservancy với sự đóng góp của Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, và được điều phối bởi Nhóm chuyên gia Linh trưởng của IUCN – Chương trình về các loài Vượn Nhỏ (IUCN/SSC Primate Specialist Group – Section on Small Apes). Có tổng cộng 40 đại biểu đến từ 12 quốc gia đã cùng đến tham gia để tập trung thảo luận về công tác bảo tồn vượn.

Trong suốt hai ngày đầu của hội thảo, các chuyên gia đã có các phần thuyết trình cá nhân và các phiên workshop thảo luận theo nhóm để đạt được những kết quả chung. Các phần thuyết trình tập trung vào những sáng kiến liên quan đến bảo tồn, sức khỏe và chăm sóc động vật, trong đó bao gồm nghiên cứu định danh loài, mua bán phi pháp, dự trù kinh phí cho các hoạt động, và quy trình quản lí loài. Các giải pháp về sức khỏe và chăm sóc động vật tiếp tục được nâng cao dựa trên những ý kiến về phòng ngừa bệnh tật, các kĩ thuật quản lý, và nhận thức. Các phiên workshop với các phần thảo luận nhóm đã đưa ra được những hành động cụ thể cho người tham gia triển khai. Những hành động này tập trung vào việc bảo vệ môi trường sống, phương pháp tiếp cận One Plan, và sự hợp tác liên tổ chức.

Vào ngày cuối cùng của hội thảo, ngày 19/11, các chuyên gia cũng đã có một ngày để tới tham quan Vườn Quốc Gia Cúc Phương, Ninh Bình để tìm hiểu về công tác bảo tồn và cứu hộ của Việt Nam tại các trung tâm cứu hộ trong vườn. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã tới Khu bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long để được nhìn ngắm khu vực mà quần thể voọc mông trắng lớn nhất Việt Nam sinh sống. Đó quả là một buổi chiều may mắn khi cả đoàn đã được chiêm ngưỡng khoảng 20 cá thể voọc ở nhiều độ tuổi di chuyển và sinh hoạt trên những vách núi đá vôi, sinh cảnh sống tự nhiên của loài. Đây quả là một chuyến đi đầy mãn nguyện đối với các chuyên gia và là một cái kết tuyệt vời cho chuyến thăm ngắn ngày của họ tới Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của IUCN để hội thảo được diễn ra thành công tốt đẹp. Chúng tôi cũng xin cảm ơn những người đóng góp quan trọng nhất cho hội thảo, đó chính là những chuyên gia đã tham gia tham luận và đóng góp xuyên suốt hội thảo. Hội thảo cũng sẽ không thể thành công như vậy nếu thiếu sự tham gia của các tình nguyện viên. Hẹn gặp lại mọi người tại Hội thảo Quốc tế về Vượn lần thứ 4.

Đọc thêm:

Thư tin của IUCN (IUCN Newsletter) về sự kiện này

3rd Gibbon Husbandry, Health and Conservation Conference (Hội thảo Quốc tế về Chăm sóc, Sức khỏe, và Bảo tồn Vượn lần thứ 3)

By TIN TỨC

Chúng tôi rất hân hạnh khi thông báo rằng Hội thảo Quốc tế về Chăm sóc, Sức khỏe, Bảo tồn Vượn lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 11, năm 2022.

Hội thảo Quốc tế về Chăm sóc, Sức khỏe, và Bảo tồn Vượn lần thứ nhất được tổ chức tại Trung tâm Khoa học Greensboro (Greensboro Science Centre), bang Bắc Carolina, Mỹ vào tháng 6 năm 2012.. Vào năm 2015, Vườn thú Perth là địa điểm tổ chức cho Hội thảo Quốc tế về Chăm sóc, Sức khỏe, và Bảo tồn Vượn lần thứ 2.. Hội nghị năm 2022 lần này sẽ tập trung vào việc bảo tồn, quản lý sức khỏe, và tất cả các khía cạnh của việc chăm sóc động vật.

Mục tiêu chính của hội thảo là hội tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn vượn nguyên vị, cùng với các chuyên gia thú y và chăm sóc vượn. Họ sẽ tập trung chia sẻ kiến thức và cải thiện các phương pháp họ đang thực hành, cũng như xây dựng khối đồng minh để có một kế hoạch bảo tồn loài hiệu quả hơn và có tính hợp tác tốt hơn.

 

ĐỌC THÊM

8th Asian Primate Symposium (Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8)

By TIN TỨC

Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 là sự kiện lớn nhất về linh trưởng tại châu Á. Sự kiện năm nay sẽ diễn ra vào ngày 13-16/11/2022 tại Hà Nội, Việt Nam. Sự kiện cung cấp cho các chuyên gia linh trưởng học và các bên liên quan đến từ nhiều quốc gia khác nhau một môi trường kết nối sôi nổi; ở đó họ có thể chia sẻ quan điểm, phát hiện mới, hay ý tưởng liên quan đến các chủ đề đa dạng như tập tính học, sinh thái học, di truyền học, phân loại học hay bảo tồn linh trưởng. Hội nghị cũng giúp đẩy mạnh sự hợp tác, kết nối, và cũng là một tọa đàm tuyệt vời để khám phá các cơ hội tài trợ mới cũng như phát triển các dự án chung. Đây cũng là cơ hội hiếm có để người tham gia có thể có những trải nghiệm trực tiếp về hệ linh trưởng đa dạng độc đáo của Việt Nam cũng như công tác bảo tồn tại đây. Người tham gia sẽ có cơ hội tham quan Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) và Khu bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long, cùng với đó họ sẽ được giới thiệu về những nỗ lực và thách thức trong hành trình bảo tồn chuyển vị và nguyên vị các loài linh trưởng. Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 sẽ diễn ra tại trường Đại học Lâm Nghiệp và được đồng tổ chức bởi Three Monkeys Wildlife Conservancy.

Mạng lưới Hỗ trợ Bảo tồn Động vật hoang dã (Wildlife Support Network)

By TIN TỨC, Trang chủ
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và tạm hoãn các kế hoạch hoạt động tại Việt Nam, Three Monkeys Wildlife Conservancy (TMWC hay còn gọi là 3M) đã quay trở lại mạnh mẽ hơn ở Việt Nam với nhiều kế hoạch thú vị phía trước. Và gần đây nhất, vào ngày 12/7 vừa qua, bọn mình đã tham dự buổi hội thảo thường kì quý II của Mạng lưới Hỗ trợ Bảo tồn Động vật hoang dã (Wildlife Support Network) tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình của tổ chức Four Paws Viet. Tại đây, anh Govinda Lienart – Giám đốc điều hành của 3M đã giới thiệu về tổ chức cùng các kế hoạch, dự án trong tương lai của bọn mình với các chuyên gia và bạn bè thuộc các tổ chức khác trong mạng lưới. Ngoài ra, chủ nhà FOUR PAWS Việt còn dẫn bọn mình và các tổ chức thành viên đi tham quan Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình và giới thiệu về các hoạt động họ đang thực hiện, các bạn gấu trong trung tâm và phúc lợi của các bạn ấy nữa. Sau đó, bọn mình cùng đi tham quan các Trung tâm cứu hộ trong Vườn quốc gia Cúc Phương như là: Trung tâm Bảo tồn Rùa của Asia Turtle Program, Trung tâm Giáo dục về Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê của Save Vietnam’s Wildlife, và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (Endangered Primate Rescue Center) để tìm hiểu thêm về hoạt động của các tổ chức, đồng thời tới thăm các bạn động vật được chăm sóc trong đó luôn. Đối với 3M, đây là cơ hội vô cùng quý báu để bọn mình được kết nối thêm với các tổ chức trong ngành và làm quen với mọi người. Các bạn hãy tiếp tục theo dõi các hoạt động tiếp theo của bọn mình nhé!

Chú voọc mông trắng đầu tiên được sinh ra ở Di sản Thế giới UNESCO Tràng An

By TIN TỨC, Trang chủ

Vào năm 2020, tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy đã tham gia rất sâu vào một dự án thử nghiệm tái thả một gia đình voọc mông trắng gồm 3 cá thể tại một hòn đảo bán hoang dã tên là Đảo Ngọc, thuộc Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới UNESCO. Một năm sau đó, chúng tôi đã nhận được một tin vô cùng phấn khích!

Vào ngày 24 tháng 10 năm 2021, một cá thể voọc con đã chào đời. Sự ra đời của bé voọc con đầu tiên này là một dấu hiệu vô cùng tích cực cho tương lai bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Tràng An, trong khi loài đặc hữu và vô cùng nguy cấp này của Việt Nam đã từng biến mất hoàn toàn tại đây. Lần tái thả đầu tiên này đã tạo ra một hy vọng lớn khi đặt nền móng để thiết lập một quần thể voọc mông trắng mới có khả năng sinh sản tại khu vực này.

Dự án thành công này đã trở thành tâm điểm của giới báo chí (xem link) với rất nhiều bài đăng, trong đó có hình ảnh của giám đốc chiến lược bảo tồn của chúng tôi, ông Tilo Nadler.

[Trong dự án tái thả gia đình voọc mông trắng này tại Quần thể danh thắng Tràng An của tổ chức chúng tôi, rất nhiều viện nghiên cứu, tổ chức, cơ quan chính quyền, nhà tài trợ đã tham gia và hỗ trợ. Chúng tôi xin được kể tên sau đây: tổ chức Four Paws, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Sở Du Lịch tỉnh Ninh Bình, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, Ban quản lý Tràng An, Chương trình Bảo tồn Linh trưởng Việt Nam, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC), Vườn quốc gia Cúc Phương, Nhóm chuyên gia Linh trưởng IUCN, Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Vân Long, Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình – Four Paws, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và các thành viên của nhóm nghiên cứu SUNDASIA, Hội đồng Nghiên cứu Nhân văn học và Nghệ thuật Vương quốc Anh (the UK Arts and Humanities Research Council)/ Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (Global Challenges Research Fund), và Giải thưởng Thúc đẩy Tác động Toàn cầu của Viện Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo-GCRF Vương quốc Anh (the UK Innovation and Research-GCRF Global Impact Acceleration Award)]

Chuyên đề Linh trưởng học Việt Nam

By DỰ ÁN, Trang chủ, Uncategorized @vi

CHUYÊN ĐỀ LINH TRƯỞNG HỌC VIỆT NAM

Three Monkeys Wildlife Conservancy tự hào là đơn vị quản lý Chuyên đề Linh trưởng học Việt Nam từ năm 2021, dưới sự hỗ trợ của Viện German Primate Center.

Từ khi hình thành vào năm 2007, Chuyên đề Linh trưởng học Việt Nam đã đóng một vai trò không thể thay thế trong việc phổ biến và lan rộng những nghiên cứu khoa học về linh trưởng tại Việt Nam. Chuyên đề thảo luận về những chủ đề nghiên cứu đa dạng có liên quan đến linh trưởng bao gồm sinh học, các mối đe dọa, giáo dục, luật pháp, việc thực thi pháp luật, và bảo tồn. Thành viên Hội Đồng Biên Tập của chuyên đề chủ yếu là các nhà khoa học và các nhà bảo tồn. Tầm quan trọng mang tính khoa học của chuyên đề đã vượt ra xa khỏi biên giới Việt Nam, và được ghi nhận trong danh sách các tài liệu được đánh giá cao thuộc bộ tài liệu về linh trưởng học của Nhóm Chuyên gia Linh trưởng IUCN (IUCN Primate Specialist Group). Bên cạnh được xuất bản dưới hình thức bản in giấy, bộ chuyên đề cũng được đăng tải bản mềm và có thể truy cập trên trang web của chúng tôi cũng như trên trang của Nhóm Chuyên gia Linh trưởng IUCN (IUCN Primate Specialist Group).

THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP
Tilo Nadler – Three Monkeys Wildlife Conservancy, Việt Nam
ĐỒNG BIÊN TẬP
Hà Thăng Long – Hội Động vật học Frankfurt, Việt Nam
Văn Ngọc Thịnh – WWF, Việt Nam
Christian Roos – Viện German Primate Centre, Đức
HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP
Hoàng Minh Đức – Viện Sinh thái học Miền Nam, Việt Nam
Lê Khắc Quyết – Cố vấn Bảo tồn, Việt Nam
Nguyễn Hải Hà – Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam
Nguyễn Xuân Đặng – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Việt Nam
Herbert H. Covert – Đại học Colorado, Mỹ
Ulrike Streicher – Cố vấn Bảo tồn, Mỹ
Govinda Lienart – Three Monkeys Wildlife Conservancy, Bỉ
Larry Ulibarri – Đại học Oregon, Mỹ
Catherine Workman – National Geographic, Mỹ

Wildlife on the Move

By DỰ ÁN, TIN TỨC, Trang chủ

Wildlife on the MOVE

Xã hội đang ngày một phát triển, và chúng ta cũng đang dần mất kết nối với thế giới tự nhiên. Điều này khiến mọi người dần không còn quan tâm đến bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã hay môi trường sống của chúng nữa. Đây là một vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt với một nước đang trên đà phát triển nhanh như Việt Nam nhưng lại là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học còn sót lại trên trái đất. Với dự án ‘Wildlife On The Move’ ở Việt Nam, chúng tôi muốn mang thế giới hoang dã tới gần hơn với mọi người thông qua các hoạt động sáng tạo, thân thiện, vui vẻ, và có tính tương tác cao.

Dự án ‘Wildlife on the Move’ sẽ tổ chức những sự kiện giống hình thức sự kiện di động, dễ dàng sắp đặt và tháo lắp trong cùng một ngày. Điều này giúp chúng tôi dễ dàng di chuyển và tiếp cận tới nhiều khu vực có địa hình phức tạp hơn, cũng như tiếp xúc được với nhiều cộng đồng địa phương hơn. Các cộng đồng chúng tôi hướng tới gồm có trường học, trường đại học, phòng triển lãm, quán cafe, lễ hội, doanh nghiệp, và cả những cộng đồng địa phương ở vùng xa mà gần với các quần thể đang bị đe dọa và cần mau chóng được bảo vệ.

Chúng tôi tin rằng những ‘hạt giống’ được gieo ở những cộng đồng khác nhau về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa từ cá nhân tới cá nhân, tới các dự án địa phương, tới các mạng lưới và những người ủng hộ, và cuối cùng dẫn tới những hành động thực sự kiến tạo nên sự thay đổi.

Primates on the Move

Dự án ‘Wildlife On The Move‘ được ra đời từ ý tưởng ban đầu là muốn mang hình ảnh và kiến thức về các loài linh trưởng Việt Nam tới gần hơn với người dân thông qua một triển lãm ảnh về linh trưởng. Ở Việt Nam có tổng cộng 24 loài linh trưởng tuyệt vời sống trong các cánh rừng tự nhiên, và một vài trong số chúng được coi là một trong những loài linh trưởng đẹp nhất, ấn tượng nhất trên thế giới. Không may thay, do thiếu sự quan tâm đến việc bảo vệ các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng, phần lớn các loài linh trưởng đã đứng trên bờ vực tuyệt chủng chỉ trong vài thập kỉ. Một số loài thậm chí chỉ còn sót lại khoảng 60 cá thể ngoài tự nhiên.

Nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài linh trưởng Việt Nam nói riêng, và động vật hoang dã nói chung đã khiến chúng tôi làm triển lãm ‘Primates of Vietnam: Living on the Edge’ (Linh trưởng Việt Nam: Sống trên Bờ vực).

Sự thành công của triển lãm này đã thúc đẩy chúng tôi bắt đầu làm những triển lãm khác quanh địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có các phòng triển lãm, một vài lễ hội, trường học, và trường Đại học ở đây. Một số hoạt động bên lề của triển lãm như các phần trò chơi, giải thích, hoạt động vẽ tranh… cũng giúp thu hút và khiến mọi người tham gia nhiều hơn. Trong quá trình tổ chức, chúng tôi rất biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức sau đây: Global Conservation Force, Wildhand, và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (Endangered Primate Rescue Center).

Rhinos on the Move

Triển lãm về linh trưởng đã thu hút được một lượng đông đảo người tham gia, từ đó khích lệ chúng tôi mở rộng thêm những triển lãm khác, cũng như làm thêm tài liệu giáo dục cho các nhóm đối tượng khác nhau về các loài động vật đang bị đe dọa, trong đó có tê giác. Cụm từ tê giác trong tiếng Anh (rhinoceros) có nghĩa là ‘mũi sừng’ (nose horn). Cái tên của loài liên kết trực tiếp với chiếc sừng oai vệ được mọc ra từ mũi của tê giác. Nhưng, chính chiếc sừng đó cũng mang lời nguyền cho loài động vật này và khiến chúng đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Sừng tê giác rất được ưa chuộng bởi những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam, họ coi đây là một biểu tượng của quyền lực và sự giàu có. Tầm quan trọng của văn hóa này được củng cố bởi một niềm tin sai lệch về lợi ích mà sừng tê giác mang lại cho sức khỏe dưới hình thức của thuốc đông y. Hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Việc tiêu thụ sừng tê giác không chỉ dẫn tới một thảm họa sinh thái khi các quần thể tê giác trên thế giới dần biến mất, mà còn dẫn tới những cuộc chiến chết người giữa thợ săn và các cán bộ kiểm lâm đấu tranh trong tuyệt vọng để bảo vệ những loài động vật yếu đuối này.

Tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng còn sót lại ngoài tự nhiên đã bị bắn chết vào năm 2010 bởi thợ săn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác. Với hy vọng rằng câu chuyện buồn tương tự sẽ không lặp lại ở một nơi khác trên thế giới, với những quần thể tê giác khác, chúng tôi đã quyết định phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự khác (Wilderness Foundation Africa, Wildhand) để cùng tổ chức triển lãm ảnh: ‘BORN WITH HORNS’.

Wildwarriors

Khi đã có thêm những kinh nghiệm tổ chức sự kiện với các hoạt động có tính giáo dục về động vật hoang dã, chúng tôi bắt đầu mở rộng ra ngoài địa bàn Hà Nội, đặc biệt tới những trường học ở gần các điểm nóng mà động vật hoang dã đang bị đe dọa. Một trong những trường chúng tôi đã tới là một trường tiểu học gần Vườn quốc gia Ba Vì. Dự án ‘Wildlife on the Move’ tại các trường học là một phương pháp khá tiết kiệm để biến các bạn học sinh thành các WILDWARRIORS (Chiến binh hoang dã), và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã ở chính nước mình.

Chúng tôi bắt đầu bằng việc thường xuyên tới tổ chức hoạt động cho cùng một nhóm học sinh để củng cố nhận thức của các bạn về môi trường, và từ từ giới thiệu thêm thông tin về sự đa dạng sinh học tuyệt vời của Việt Nam. Vì các Chiến binh hoang dã của chúng tôi đã rất ham học hỏi nên chúng tôi quyết định thưởng cho các bạn nhỏ một chuyến đi tham quan tại các trung tâm cứu hộ ở Vườn quốc gia Cúc Phương, ở đó các Chiến binh được gặp rất nhiều loài động vật nguy cấp ngoài đời thực.