Skip to main content

CHUYÊN GIA LINH TRƯỞNG QUỐC TẾ HỘI NGỘ

TẠI HỘI NGHỊ LINH TRƯỞNG CHÂU Á LẦN THỨ 8 Ở VIỆT NAM.

Nối tiếp sự thành công của 7 Hội nghị Linh trưởng Châu Á trước đó, Việt Nam là quốc gia tiếp theo đăng cai tổ chức Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 (the 8th Asian Primate Symposium). Sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với 24 loài và 2 phân loài linh trưởng, Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng để các nhà khoa học hội tụ và thảo luận về nghiên cứu của họ trong thời gian qua. Hội nghị lần này được tổ chức bởi Three Monkeys Wildlife Conservancy và được hợp tác cùng với Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, cũng vì lẽ đó, Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam là nơi được lựa chọn để hội nghị diễn ra.

Hội nghị kéo dài trong vòng 4 ngày, từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 11 năm 2022. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, và chuyên gia linh trưởng đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới và từ 91 tổ chức khác nhau.

Hội nghị khởi đầu bằng một lời chào đón nồng hậu của ban tổ chức đối với người tham gia trong không khí ấm cúng, vui vẻ của một bữa tiệc tối chào mừng. Sáng hôm sau, ngày 14/11, lễ khai mạc của hội nghị chính thức được diễn ra với sự tham dự của các cấp chính quyền, các nhà khoa học lỗi lạc trong ngành, các nhà báo, và toàn bộ đại biểu của chương trình.

Trong hai ngày 14 và 16, xuyên suốt đó là 62 phần tham luận và trình bày của các đại biểu về những nghiên cứu mới, họ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong công tác bảo tồn linh trưởng tại quốc gia bản địa. Các phần thuyết trình được chia thành các chủ đề: 1) Tương tác và xung đột giữa Người và Động vật, 2) Di truyền học và Bảo tồn, 3) Bảo tồn, 4) Bảo tồn và Hành vi, 5) Bảo tồn các loài vượn, 6) Phương pháp khảo sát bằng máy bay điều khiển từ xa, và 7) Tập tính học.

Ngoài việc thuyết trình, các đại biểu cũng có thể chia sẻ kiến thức và giới thiệu nghiên cứu của họ bằng việc sử dụng áp phích. Các phần thảo luận xuyên suốt hội nghị đã được diễn ra vô cùng sôi nổi bất kể là trong khung giờ chính, hay trong giờ nghỉ, thậm chí là cả giờ ăn tối.

Vào ngày 15/11, đại biểu của chương trình đã có một chuyến đi Ninh Bình tới Vườn Quốc Gia Cúc Phương và được tham quan các trung tâm cứu hộ tại đây. Chuyến đi đã có rất nhiều niềm vui và sự phấn khởi khi các chuyên gia có thể hiểu thêm về công tác bảo tồn các loài khác ở Việt Nam chứ không chỉ riêng linh trưởng.

Hội nghị cũng rất hân hạnh khi có được sự tham gia của hai họa sĩ vẽ động vật hoang dã vô cùng tài năng là chú Đào Văn Hoàng và anh Nguyễn Tiến Dũng trong suốt thời gian tổ chức. Song song với triển lãm tranh của các họa sĩ, ban tổ chức cũng mở một triển lãm ảnh để giới thiệu về 24 loài linh trưởng của Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng hội nghị đã tạo ra một môi trường tuyệt vời để các nhà khoa học và các bên liên quan trao đổi kiến thức, từ đó có những đóng góp toàn diện hơn cho ngành bảo tồn của nước nhà cũng như khu vực. Hội nghị cũng tăng cường thêm các cơ hội kết nối, từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân và các tổ chức trong tương lai.

Chúng tôi hy vọng rằng kết quả đạt được từ hội nghị sẽ có sức ảnh hưởng vượt xa khuôn khổ thời gian sự kiện diễn ra, đặc biệt trong việc đóng góp nâng cao năng lực cho người tham gia, và tăng cường kết nối trong cộng đồng liên ngành giữa các nhà linh trưởng học và các bên liên quan đến bảo tồn linh trưởng ở châu Á.

Nếu không có sự hỗ trợ hết sức thịnh tình từ các nhà tài trợ và các bên liên quan, Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 8 sẽ không thể thành công đến như vậy. Chúng tôi xin được chân thành cảm ơn các đơn vị tài trợ: WWF Việt Nam, tổ chức Re:Wild, Hội động vật học Frankfurt (Frankfurt Zoological Society), Hiệp hội Các nhà linh trưởng học Mỹ (American Society of Primatologists), Vườn thú Leipzig; cùng với sự đóng góp của toàn bộ đại biểu tham gia chương trình, và sự hỗ trợ hết mình của các tình nguyện viên.

Hẹn gặp lại tại Hội nghị Linh trưởng Châu Á lần thứ 9!