Skip to main content

LOST AND FOUND

– Một cuốn sách ghi lại lịch sử tuyệt chủng, phát hiện, và tái phát hiện các loài động vật có vú của Việt Nam viết bởi Tilo Nadler –

Bác Tilo Nadler là một nhà linh trưởng học nổi tiếng đã dành gần nửa cuộc đời để cống hiến cho công tác bảo tồn tại Việt Nam. Bác đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991, hai năm sau đó, bác thành lập trung tâm cứu hộ linh trưởng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, bác tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo tồn tại Việt Nam khi làm Giám đốc Chiến lược Bảo tồn của tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy chúng tôi. Trong suốt 30 năm thực hiện công tác bảo tồn một cách chuyên sâu và rộng rãi ở Việt Nam, bác đã chứng kiến toàn bộ sự thay đổi của đất nước và công tác bảo tồn tại đây. Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho bác viết cuốn sách kể lại hành trình 30 năm làm bảo tồn tại Việt Nam, và những chuyện xảy ra đối với các loài thú có vú được phát hiện, tái phái hiện, và bị tuyệt chủng. Bản thân bác cũng đã tự mình phát hiện và tái phát hiện ra một số loài, cũng như trải qua thời kì mà một số loài bị tận diệt hoàn toàn ở Việt Nam.

Quá trình hoàn thành cuốn sách này của bác mất 2 năm bao gồm cả việc thu thập, tìm kiếm thông tin từ tất cả các nguồn, và viết sách. Cuốn sách kể câu chuyện của 150 loài thú có vú ở Việt Nam, cùng với đó là 180 cá nhân có liên quan trực tiếp đến sự tuyệt chủng, phát hiện, và tái phát hiện của tất cả những loài này, trong đó bao gồm nhà khoa học, người phát hiện, hay thợ săn… Việt Nam có thể nói là một quốc gia đặc biệt khi có nhiều điều kiện địa lý thuận lợi để sở hữu một lượng không nhỏ các loài đặc hữu. Quốc gia này cũng đặc biệt ở chỗ nó đã phải hứng chịu nhiều cuộc chiến trong hàng thập kỉ, và điều đó ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến hệ sinh thái tại đây. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có một khoảng thời gian dài cô lập với thế giới nên không có bất cứ nghiên cứu nào từ các nhà khoa học nước ngoài đánh giá về tình trạng sinh thái ở đây. Sau khi đất nước đổi mới và mở cửa, Việt Nam chứng kiến một sự bùng nổ với các nghiên cứu khoa học về các loài mới được phát hiện. Theo cuốn sách, dự tính có khoảng 1800 loài động vật và thực vật mới được phát hiện tại Việt Nam trong vòng 30 năm qua, điều đó tương đương với ít nhất 1 loài được phát hiện mới trong một tuần. Tỉ lệ các loài mới được phát hiện này cho chúng ta một kì vọng về tương lai mà nhiều loài mới hơn nữa sẽ được phát hiện, không chỉ trong mà còn ngoài biên giới của Việt Nam. Cuốn sách như là một nhân chứng của lịch sử độc nhất khi có thể thu thập được toàn bộ thông tin khoa học về 150 loài động vật có vú ở Việt Nam. Đây có thể coi là một di sản của cộng đồng khoa học tại Việt Nam bởi nhiều người, đặc biệt là các thế hệ kế cận có thể học hỏi rất nhiều từ lượng kiến thức khổng lồ của cuốn sách. Thông qua cuốn sách và đặc biệt là những câu chuyện đằng sau sự tuyệt chủng của một số loài, bác Tilo mong muốn truyền tải một thông điệp nhắc nhở các nhà bảo tồn và người dân Việt Nam về tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ thế giới động vật hoang dã của chúng ta. Công tác bảo tồn thiên nhiên sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ dựa vào các khoản tài trợ từ nước ngoài, sự thành công của nó cần đến hành động và nhận thức của mỗi người dân Việt Nam.

Để giới thiệu cuốn sách tới công chúng, bác Tilo Nadler và gia đình đã tổ chức một buổi ra mắt sách tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 1 vừa qua. Hơn 60 người tham dự gồm có các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các tổ chức phi chính phủ, nhà báo, người thân và bạn bè đã cùng đến chung vui, chúc mừng, và thể hiện sự trân trọng, lời cảm ơn của họ đến bác cùng cuốn sách. Các khách mời đặc biệt, trong đó có Giáo sư Nguyễn Xuân Đặng, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc WWF tại Việt Nam, và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã phát biểu và thể hiện sự xúc động của mình dành cho những gì bác Tilo đã cống hiến cho ngành bảo tồn. Các khách mời đều chia sẻ về câu chuyện từ khi họ gặp bác Tilo lần đầu tiên, về sự ngưỡng mộ cũng như biết ơn của họ dành cho một người nước ngoài không chỉ đóng góp cho ngành bảo tồn ở Việt Nam thậm chí nhiều hơn rất nhiều công dân Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng và dẫn dắt rất nhiều thế hệ, nhiều người Việt Nam. Cả Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đều nói rằng họ, những người Việt Nam, đã được truyền cảm hứng bởi bác Tilo, một người nước ngoài, để làm bảo tồn ở Việt Nam tốt hơn. Sau khi chứng kiến cách bác Tilo tận tâm với công tác bảo tồn ở Việt Nam, họ đã có nhận thức và trách nhiệm cao hơn trong sự nghiệp bảo vệ hệ động vật hoang dã của chính đất nước mình. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thậm chí đã không cầm được nước mắt khi nói về việc bác Tilo đã có ảnh hưởng thay đổi cuộc đời chú thế nào, và chú thậm chí còn hứa với bác Tilo rằng chú cũng như thế hệ của chú luôn sẵn sàng để tiếp tục những gì mà bác Tilo để lại cho công tác bảo tồn ở Việt Nam. Sự kiện hôm đó cũng có sự xuất hiện của một khách mời đặc biệt, đó là chú Trần Nhi, con trai của một người cựu thợ săn đã giết chết 50 con hổ trong suốt cuộc đời của mình, nhưng sau đó đã thay đổi để trở thành một người bảo vệ thiên nhiên và được truyền cảm hứng rất nhiều từ bác Tilo. Gia đình của họ bây giờ thậm chí còn tái tạo lại khu vực tự nhiên xung quanh nhà để động vật hoang dã có thể quay trở lại sinh sống hoà thuận với con người.

Toàn bộ những đóng góp to lớn mà bác Tilo đã dành cho khoa học, ngành bảo tồn, và sự đa dạng sinh học là vô giá và không thể thay thế. Lời cảm ơn sâu sắc và chân thành nhất cần được gửi đến bác vì đã để lại một quyển sách vô cùng giá trị ghi lại toàn bộ cuộc đời làm bảo tồn của bác tại Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Mong bác có sức khoẻ thật tốt để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình!